
- Giới thiệu chung:
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông tin sai lệch và thông tin giả mạo đã lan truyền rộng rãi mà không được kiểm chứng, đến mức Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác định đó là một trong những đe doạ lớn nhất cho cộng đồng. Khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài mối đe doạ này. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thực hiện một chương trình cụ thể với mục đích ngăn chặn thông tin sai lệch và thông tin giả mạo. Năm 2018, các Bộ trưởng ASEAN chịu trách nhiệm về thông tin đã thông qua Khung và Tuyên bố chung để giảm thiểu tác hại của tin tức giả mạo. ASEAN cũng đã khởi động chương trình “Kỹ năng số khu vực ASEAN”, tên tiếng Anh là “ASEAN Digital Literacy Program”, nhằm thúc đẩy an ninh mạng như một phần của cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch trên môi trường trực tuyến.
Để tiếp tục nỗ lực này, Quỹ ASEAN, với sự hỗ trợ của Google.org, triển khai Chương trình “Kỹ năng số khu vực ASEAN”, tên tiếng Anh là ASEAN Digital Literacy Program (tên viết tắt ADLP) từ năm 2022 đến năm 2024.
- Mục tiêu chương trình
Tại Việt Nam, Quỹ ASEAN hợp tác cùng Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT). Chương trình mang tính khu vực nhằm phòng chống sự lan truyền thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng cách cung cấp đào tạo về kiến thức số cho thanh niên, giáo viên, phụ huynh, người cao tuổi, người khuyết tật, các đối tượng yếu thế, lãnh đạo cộng đồng và các nhà quản lý. Chương trình bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức mạnh mẽ để đảm bảo rằng tầm quan trọng của phương tiện truyền thông và kiến thức thông tin được hiểu rõ hơn bởi nhiều đối tượng hơn và truyền cảm hứng cho mọi người thay đổi và phát hiện và ngăn chặn các trò lừa đảo và tin tức giả mạo lan truyền.
- Đối tượng tham gia & hưởng lợi từ dự án
Tại Việt Nam, dự án dự kiến tập huấn cho 115 giảng viên nguồn từ đó đào tạo cho 14.000 người hưởng lợi.
Giảng viên nguồn có thể thuộc một trong số các nhóm đối tượng sau:
- Cơ quan quản lý nhà nước
- Giáo viên các trường THCS, THPT
- Giảng viên các trường cao đẳng, đại học
- Các nhà giáo dục
- Phụ huynh
- Thanh niên
- Người cao tuổi
- Người khuyết tật
- Và các nhóm cộng đồng khác như phụ nữ, người dân tộc thiểu số,…
- Địa bàn dự án
Số lượng tỉnh thành dự kiến: 4 – 12 tỉnh thành
Thực tế chương trình đã tiến hành tập huấn trên 30 tỉnh thành Việt Nam gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng tàu, Bắc Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Yên Bái.
- Phương thức tiếp cận và các hoạt động
- Xây dựng nguồn tài liệu đào tạo
Với sự hợp tác của các chuyên gia trong lĩnh vực đến từ Quỹ ASEAN và Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet tại Việt Nam đã điều chỉnh các nội dung để hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng bộ tài liệu bao gồm 10 mô-đun:
- Mô-đun 1: Tin giả trên mạng xã hội
- Mô-đun 2: Đóng khung tâm lý trên mạng xã hội
- Mô-đun 3: Nguồn tài nguyên trực tuyến uy tín
- Mô-đun 4: Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
- Mô-đun 5: Hiện tượng người có sức ảnh hưởng
- Mô-đun 6: Nhận diện thông tin sai lệch và những ảnh hưởng
- Mô-đun 7: Xử lý cuộc trò chuyện rác trực tuyến
- Mô-đun 8: Cân bằng, Đồng cảm và Sức khỏe số
- Mô-đun 9: An toàn trực tyến, Quyền riêng tư và An ninh mạng
- Mô-đun 10: Dấu chân, Danh tiếng và Danh tính số
Bộ tài liệu giảng dạy: https://bit.ly/Tailieugiangviennguon
- Tập huấn trực tiếp và trực tuyến dành cho giảng viên nguồn
Trong tháng 8 và 9 năm 2022, CT “Kỹ năng số khu vực ASEAN” tại Việt Nam do Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet phối hợp với Quỹ ASEAN đã tiến hành tổ chức hai khóa tập huấn trực tiếp tại Vĩnh Phúc và Lâm Đồng, và một khóa tập huấn trực tuyến cho 224 giảng viên nguồn thuộc 30 tỉnh thành trên Việt Nam.

Tại tập huấn, các giáo viên nguồn đã được giới thiệu tổng quan, nội dung và các hoạt động của chương trình. Các giáo viên được cung cấp bộ tài liệu tập huấn, đồng thời được các giảng viên của dự án trực tiếp giảng mẫu, trao đổi, hướng dẫn cách thức triển khai tại đơn vị và báo cáo kết quả. Theo đó, tài liệu giảng dạy dành cho giáo viên được thiết kế tích hợp dưới dạng slide giúp thuận tiện, dễ dàng cho người dạy với phương pháp dạy học hiện đại, tích cực, có tính tương tác cao. Nội dung chương trình thiết thực, mạch lạc, đề cập vừa cơ bản, vừa toàn diện với 4 chủ đề, chia làm 10 mô-đun. Bên cạnh cung cấp các thông tin, kiến thức nền tảng như: Tin giả mạo và thông tin sai lệch; Nguồn tài nguyên trực tuyến uy tín; Nhận diện lừa đảo và nội dung có thể chia sẻ; An toàn trực tuyến, quyền riêng tư và an ninh mạng; Dấu chân, danh tiếng và danh tính số, chương trình còn chú trọng truyền đạt các kỹ năng thực tiễn như: Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Xử lý cuộc trò chuyện rác trực tuyến; Cân bằng, đồng cảm và sức khỏe số.

Qua các khóa tập huấn giảng viên nguồn, chương trình rất vui mừng được đón nhận những phản hồi tích cự. Phiếu đánh giá sau khảo sát cho thấy 100% giảng viên nguồn sẵn sàng triển khai tập huấn lan tỏa tới cộng đồng; 91.4% giảng viên nguồn “rất sẵn sàng” và “sẵn sàng” giới thiệu nội dung giảng dạy đến các đồng nghiệp.
- Tập huấn lan tỏa cho cộng đồng
Không chỉ dừng lại ở hoạt động tập huấn giảng viên nguồn, chương trình tiếp tục quá trình hỗ trợ các giảng viên nguồn trong quá trình tập huấn lan tỏa đến đối tượng hưởng lợi cuối cùng. Dự án khuyến khích và linh hoạt hỗ trợ các giảng viên nguồn triển khai hoạt động giảng dạy cho các đối tượng cộng đồng khác nhau, tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế tại các địa phương. Tính đến tháng 12/2022, chương trình đã nhận được 47 đơn đăng ký hỗ trợ tập huấn lan tỏa của các giảng viên nguồn và hơn 30.000 đối tượng hưởng lợi cuối cùng của dự án gồm có: Giáo viên – Nhà giáo dục, Học sinh – Sinh viên, Phụ huynh học sinh, Người cao tuổi, Người khuyết tật và Những đối tượng cộng đồng khác như phụ nữ, nhóm dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, trong tháng 12/2022, Vietnet-ICT cũng tổ chức thành công hai khóa tập huấn cho 116 hội viên Hội người mù các quận Hoàng Mai và Đống Đa. Thông qua hai chủ đề “Nhận biết và phòng tránh lừa đảo trực tuyến”, và “Nhận biết và xử lý tin giả trên mạng xã hội.”, chương trình mang lại những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích giúp người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng thông qua môi trường trực tuyến một cách an toàn và văn minh.